Cuộc lột xác của hạt đậu đắng và bài học kinh doanh rút ra

Sách marketing

Sô-cô-la, khác với pho-mát, có xuất xứ từ rất xa Thụy Sĩ. Năm 1504, Christopher Columbus đã trở về sau chuyến hải trình vĩ đại đến Tân Thế Giới, và mang về một món ăn khác thường – hạt ca-cao. Loại cây trồng khác thường này cùng với sô-cô-la chế biến từ chúng không hề giống bất kỳ loại thực phẩm nào tại châu âu. Món giải khát thông dụng chế biến từ loại đậu này không được người Tây Ban Nha ưa chuộng, vì nó quá đắng. Chỉ đến năm 1528, khi Hernando Cortez giới thiệu một loại thức uống ngọt từ chính loại đậu này, hạt ca-cao mới bắt đầu được biết đến. Thứ thực vật ngoại lai và khác thường đến từ Nam Mỹ sau cùng cũng bắt gặp định mệnh của nó tại châu âu, và bất ngờ trở thành hương vị được thèm muốn nhất tại Thụy Sĩ – song, kịch hay không chỉ dừng lại ở đó.
Người Aztec và Maya cổ đại đã khám phá ra tinh chất từ cây ca-cao, và tin rằng chúng sẽ đem lại cho con người sức mạnh và sự sáng suốt. Thế nhưng, tại châu âu, sô-cô-la vẫn bị giam cầm tại Tây Ban Nha; mãi cho đến năm 1615, khi con gái vua Philip III kết hôn với vua Louis XIII, sô-cô-la mới được ra mắt tại Pháp. Nó đã trở thành mốt thời thượng đối với tầng lớp quý tộc tại Paris, và sau đó lan đến tai giới quý tộc trên khắp châu âu, bao gồm cả Thụy Sĩ – quốc gia có đặc quyền và mối quan hệ mật thiết với Pháp, do sở hữu đội ngũ lính đánh thuê và chia sẻ cùng tín ngưỡng.

Thỏi sô-cô-la rắn đầu tiên dường như không có vị sữa. Rất có thể Daniel Peter, một người Thụy Sĩ, chính là người đầu tiên tạo ra sô-cô-la sữa vào thập niên 1870; nhưng công ty Jordan & Timacus tại Dresden lại khẳng định họ đã phát minh ra sản phẩm này từ trước. Tuy tên tuổi người phát minh vẫn đang trong vòng nghi vấn, nhưng không thể chối cãi được rằng sô-cô-la sữa chỉ thật sự lột xác khi người Thụy Sĩ đặt lên đó biểu tượng các ngọn núi hùng vĩ của họ, với những căn nhà gỗ và dòng sữa ngọt ngào từ núi An-pơ, khiến khách hàng không thể cưỡng lại.
Như mọi phát kiến vĩ đại khác trong lịch sử, thành công này cũng xướng tên rất nhiều vĩ nhân. Họ đều xứng đáng được tôn vinh như những nhà tiên phong. Năm 1819, một thanh niên trẻ người Thụy Sĩ, François-Louis Cailler đã xây dựng nhà máy sản xuất sô-cô-la sữa đầu tiên tại Vevey. Không ít người đã tiếp bước thành công của anh; trong đó, phải kể đến ba nhân vật: Philippe Suchard, Daniel Peter và Rodolphe Lindt.


Hình tượng của sô-cô-la
Philippe Suchard được vinh danh là người đã sáng tạo nên hình tượng sô-cô-la Thụy Sĩ. ông bắt đầu sự nghiệp như một thợ làm mứt tập sự tại cửa hàng bánh kẹo (confiserie) của anh trai tại Bern; và đến năm 1815, ông mở một cửa hiệu riêng tại thị trấn Neuchâtel. Một năm sau, ông chuyển đến một nhà máy cũ gần Serrières và xây dựng nên nhà máy sô-cô-la riêng. Sản phẩm của ông vẫn là một hỗn hợp đen đặc, thô ráp và không chứa sữa, nhưng mục tiêu của ông là biến nó thành một thực phẩm giàu dinh dưỡng và vừa túi tiền. Khi các tuyến đường sắt được xây dựng tại Serrières năm 1860, việc kinh doanh của ông đã có bước đột phá. Do nhu cầu mở rộng đến các quốc gia khác, nhà máy sô-cô-la Suchard ngoài Thụy Sĩ đầu tiên đã có mặt tại Lörrach, một tỉnh nhỏ của Đức nằm ngay sát biên giới Thụy Sĩ.

Suchard đã khẳng định lợi thế của đất nước ông trong ngành sản xuất sô-cô-la sữa: Thụy Sĩ có nguồn sữa dồi dào nên sẽ đảm bảo nguồn nguyên liệu với giá thành thấp. Tuy nhiên, họ vẫn phải đối mặt với sức ép cạnh tranh dữ dội đến từ các doanh nghiệp Hà Lan và Anh Quốc. Thời điểm đó, từ Cadbury, Rowntree, Hershey, Van Houten cho đến thương hiệu lâu đời Quacker đều là những đối thủ sừng sỏ của sô-cô-la Thụy Sĩ (Quacker là một nhánh tôn giáo theo chủ nghĩa hòa bình tương tự như những tín đồ Tin Lành, xuất thân từ các di dân người Thụy Sĩ, người Đức và người Pháp; họ cùng du nhập đến Pennsylvania vào giữa thế kỷ XVII.)
Suchard không để các đối thủ khiến ông chùn bước; ngược lại, ông kinh doanh ngày một phát đạt nhờ chủ động chuyển cơ sở sản xuất đến giữa “bầy sư tử” – thị trường của đối phương. Sau Thế chiến I, khi các mặt hàng xuất khẩu đang vấp phải bức tường thuế nhập khẩu khắt khe và chính sách thắt chặt tiền tệ, công ty Suchard đã quyết định xây dựng thêm các nhà máy tại Hoa Kỳ, Anh Quốc, Argentina, Thụy Điển và Nam Phi. Đây chính là khuynh hướng phổ biến tại các công ty Thụy Sĩ: khi vấp phải các chính sách bảo hộ, họ sẽ thiết lập cơ sở sản xuất quốc nội tại nước ngoài và tạo đà cho chiến lược toàn cầu hóa, trước khi đường lối này trở thành xu thế trong tương lai.