NHỮNG CON CHỮ BIẾT HÁT

Sách hay

Giới thiệu sách

Đánh giá0 (0 lượt bình chọn)

Những Con Chữ Biết Hát

Sau cuốn sách chia sẻ kinh nghiệm học ngoại ngữ “Tớ đã học Tiếng Anh như thế nào?” và dự án dịch sách “Tôi tư duy, tôi thành đạt” – John C. Maxwell, tác giả nhí Đỗ Nhật Nam lại ấp ủ một cuốn sách mới viết về những ký ức ấu thơ vừa chơi vừa học đầy thú vị của mình. Và thế là “Những con chữ biết hát” ra đời. Đây là cuốn tự truyện thứ hai của cậu bé – là những dòng tâm sự của cậu về quá trình mình lớn lên bên bố mẹ, thầy cô, bạn bè và những gì cậu học được từ những năm tháng chập chững đầu đời ấy. Ta sẽ lại được gặp một Nhật Nam gần gũi và đáng yêu qua những chia sẻ chân thành, pha chút “già dặn” của cậu bé.

“Những con chữ biết hát” đầy ắp những kỉ niệm của bé Nam về tuổi thơ ở Nhật – nơi có những chiếc xe Bus “sặc sỡ”, những chuyến tàu cao tốc, những bức tường biết hát, những giáng sinh tuyết phủ trắng xóa … Đó cũng là những trang viết về các bài học cuộc sống mà Nhật Nam nhận được từ bố, từ mẹ, từ thầy cô và từ chính những người bạn cùng lớp của mình. Cuốn sách giúp ta có cái nhìn gần hơn với Đỗ Nhật Nam, cậu bé không phải là một thần đồng, cậu chỉ là một cậu bé bình thường, sớm được tiếp nhận được một nền giáo dục phù hợp, nghiêm khắc nhưng không gò bó mà đong đầy yêu thương. Bé vừa học vừa được thỏa sức vui chơi và khám phá thế giới quanh mình. Cũng chính vì thế, cả cuốn sách tràn ngập những tưởng tượng của Nam, những điều bình dị của cuộc sống được nhìn qua lăng kính trẻ thơ của bé hiện lên thật sống động, đầy màu sắc:

“Lúc còn nhỏ, tớ không nghĩ đến những điều cao siêu đó, cũng chẳng nghĩ những gì mình mơ mộng chính là tưởng tượng. Tớ tin mọi điều sẽ trở thành sự thật. Bằng cách đó, tớ thấy mình không nhỏ nhoi, không chỉ là đứa bé ba tuổi chạy lon ton theo chân mẹ. Tớ thấy mình được là nhiều nhân vật khác nhau. Nhờ tưởng tượng mà tớ tự làm được nhiều việc, thấy mình có nhiều khả năng. Chỉ mong người lớn hãy để trẻ được tự do với những tưởng tượng của mình. Đó là một thế giới riêng mà chỉ những đứa trẻ cùng tuổi mới biết. Tớ cũng ước ao, mỗi con đường, mỗi góc phố, mỗi ngôi nhà có một không gian riêng, bé thôi, nhỏ xíu thôi nhưng là nơi mà trẻ được đứng đó, tần ngần và bâng khuâng. Từ cái thế giới nhỏ xíu ấy, mỗi đứa trẻ sẽ được chắp đôi cánh của mơ ước và tưởng tượng để bay đến những không gian rộng lớn, những vùng trời mà chỉ riêng trẻ mới biết. Những khuông nhạc gắn hai bên con đường ngầm nhà ga Umeda, nếu có dịp quay lại chắc tớ sẽ nhận ra chúng không to lớn như hồi bé thường nghĩ nhưng chúng đã ở lại trong trí nhớ như thể cả nhà ga thành bản nhạc vĩ đại mà tớ là người nhạc trưởng tài ba.” (Trích “Những con chữ biết hát” – Đỗ Nhật Nam)

Giới thiệu tác giả:

 

Đỗ Nhật Nam sinh năm 2001, được biết đến trong nhiều vai trò khác nhau: MC cho nhiều chương trình dành cho thiếu nhi như Chúc bé ngủ ngon, Quả chuông nhỏ, Trò chuyện cùng bé; dịch giả của nhiều cuốn sách như Sun up, Sun down – The story of day and night, Charging about – The story of electricity, Tôi tư duy – Tôi thành đạt…, và gần đây là tác giả cuốn sách “Tớ đã học tiếng Anh như thế nào?”.

Nhật Nam hiện là người nắm giữ kỷ lục “Dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam” (từ năm 7 tuổi); đã hoàn thành xong hai chứng chỉ Starters, Movers của Đại học Cambridge với số điểm tuyệt đối khi mới vừa học lớp 2 cùng nhiều thành tích nổi bật khác như: đạt điểm tuyệt đối trong các kì thi của Cambridge; TOEIC đạt 940/990 điểm; TOEFL itp đạt 617 điểm; TOEFL ibt đạt 99 điểm; IELTS đạt 6.5 điểm; đạt giải Thí sinh nhỏ tuổi nhất, thí sinh tài năng và giải Nhất chung cuộc trong kì thi Hùng biện tiếng Anh Wordstorm.

Đoạn trích hay:

« Trong cuốn tự truyện Tớ đã học tiếng Anh như thế nào, tớ đã có dịp kể cho các bạn nghe một phần về tuổi thơ, về những ngày đầu tiên của tớ khi mới đến trường. Lần này, tớ sẽ kể cho các bạn nghe tất cả những ấn tượng mà tớ còn lưu giữ được về tuổi thơ, về việc tớ đã được dìu dắt ra sao để có thể thành một chàng trai cũng khá là bảnh bao như bây giờ. »

[…]

«Lạ nhỉ, sao bức tường lại chứa đầy âm thanh? Hay có một người nghệ sỹ nào ngồi đâu đó và chơi những bản nhạc dưới ngón tay của mình? Tớ luôn tự hỏi điều đó. Và đoán chắc rằng, hẳn người kiến trúc con đường này cũng có những đứa con nhỏ chừng như tuổi tớ. Khi hoàn thành bức tường, chúng hỏi: Bố ơi, sao bức tường lại chẳng biết nói gì cả, chúng thật là đơn điệu? Thế là không chần chừ, kiến trúc sư kia đã nghĩ đến việc cho bức tường không chỉ nói mà còn hát, những giai điệu mà bất cứ đứa trẻ nào cũng thích. Tớ tin chắc điều mình nghĩ là đúng bởi có nhiều khi, dưới chân bức tường là một hàng các bạn nhỏ như tớ, người thì rụt rè chạm vào, người thì ra sức đập mạnh vào từng nốt nhạc và khuôn mặt bạn nào cũng bừng sáng những niềm vui.»

[…]

«Một vài nơi trên thế giới, ở mỗi khu phố người ta đặt một bức tường, cạnh đó là vô số bút màu và trẻ có thể đến đó để vẽ ra những điều mình thích. Đó có thể là một con tàu mơ ước, một hành tinh xa xôi hay đơn giản hơn chỉ là một miếng bánh được vẽ khi một bạn nào đó đang đói meo hoặc đơn giản hơn là những lời chế nhạo nhau của bọn trẻ con nghịch ngợm sau giờ tan học. Nhưng có hề gì, đối với trẻ con, đó là cả một thiên đường thơ ấu. Người lớn thường yêu trẻ con theo cách mong chúng có đủ những thứ mà mình thường thích như quần áo này, đồ ăn này nhưng đôi khi, chỉ cần một chiếc lọ thủy tinh đựng vài ba con cá với một nhành rong biển đã có thể đưa đứa trẻ đến với những đại dương xanh xa lắc xa lơ nào đó.

Tớ thường được nghe kể chuyện về tuổi thơ của bố. Hồi đó, nhà ông bà nội nghèo lắm mà bố thì thích nghe đài nên mỗi tối thường áp tai vào tường nhà hàng xóm để nghe lén. Tớ không hiểu việc nghe đài lén như thế có gì thú vị không nhưng chắc chắn một điều nhờ những tối khuya lắc ấy mà tâm trí bố được bay ra khỏi lũy tre làng, được đến với những chân trời mộng mơ. Ở đó không còn cánh đồng khô cằn, không còn những mái rạ tường đất ẩm mốc mà là những ngôi nhà chọc trời, những đường ray tàu hỏa đan cài chéo nhau trên mặt đất. Với tuổi thơ khó nhọc của bố, đó là những điều phi thường. Bởi vậy, khi thành một ông bố, bố đã không buộc dây con diều trí tưởng tượng của tớ lại mà cho nó mặc sức bay lượn trên bầu trời đầy gió, mặc cho nó có lúc lộn nhào. Có sao đâu, trẻ con luôn có những suy luận rất riêng mà. Tớ thích cái cách bố sà vào đống đồ chơi của tớ rồi hỏi: “Bây giờ bố con mình sẽ đi đâu?”, yêu vẻ mặt đầy đăm chiêu của bố khi giúp tớ tìm trong chiếc áo siêu nhân cái nút bấm để có thể bay lên dù bố biết sẽ chẳng có cái nút bấm nào như thế cả. Chẳng thế mà một số bộ quần áo siêu nhân của Mỹ còn có dòng chữ: “Áo này không dùng để bay được”. Nghe thì có vẻ buồn cười nhưng tớ đoán, chúng dành cho những ông bố như bố tớ. Khi đăm chiêu tìm nút bấm xong, họ sẽ ồ lên: Ôi, không dùng để bay được à? Tiếc nhỉ! Thế là họ thở phào nhẹ nhõm, nhìn con trẻ bằng ánh mắt tràn đầy yêu thương và chia sẻ! »

Mục lục:

Lời đề tặng thay cho lời tựa

Phần một: Những ấn tượng tuổi thơ

Phần hai: Ngôn ngữ của tớ đã được rèn luyện để tích lũy và phát triển như thế nào

Phần ba: Trường lớp và bạn bè của tớ

Mời bạn đón đọc.