NGÀN NĂM ÁO MŨ

Văn học

Giới thiệu sách

Đánh giá0 (0 lượt bình chọn)

Ngàn Năm Áo Mũ

Ngàn năm áo mũ là một nghiên cứu công phu và đầy tham vọng của Trần Quang Đức: dựng lại bức tranh trang phục Việt Nam trong cung đình và ngoài dân gian trong khoảng một nghìn năm từ thời Lý đến thời Nguyễn (1009-1945).

Trang phục cung đình luôn được quy định nghiêm ngặt và có nhiều đổi thay qua các triều đại. Ngàn năm áo mũ lý giải nguyên do và phân tích mức độ mô phỏng trang phục Trung Hoa trong quy chế trang phục của các triều đại Việt Nam, mô tả chi tiết, tỉ mỉ nhiều dạng trang phục như bộ Tế phục Cổn Miện uy nghi của các vị hoàng đế, các bộ Triều phục, Thường phục Lương quan, Củng Thần, Ô Sa, Bổ phục trang trọng của bá quan, hay Lễ phục Vĩ Địch, Phượng quan lộng lẫy của hoàng hậu v.v.. Trong khi đó trang phục dân gian không biến động nhiều, phổ biến là kiểu áo giao lĩnh, tứ thân, hay lối ăn mặc cởi trần đóng khố của đàn ông và yếm, váy giản tiện của đàn bà tồn tại qua hàng trăm năm lịch sử. Sự kiện vua Minh Mạng cấm “quần không đáy” là một biến cố lớn lao, để rồi chiếc áo dài năm thân đi vào đời sống dân gian và bây giờ trở thành trang phục quan trọng bậc nhất của người Việt.

Có thể nói, Ngàn năm áo mũ bù đắp phần nào vào khoảng trống mênh mông của lịch sử trang phục Việt Nam nói riêng, lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung. Cùng với những ý nghĩa chính trị, xã hội sâu rộng, đây thực sự là một nghiên cứu quan trọng và có giá trị lâu dài.

Thông tin tác giả:

Trần Quang Đức sinh năm 1985 tại Hải Phòng. Năm 2004, khi đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học Quốc gia Hà Nội, anh đã đạt giải nhất cuộc thi Cầu Hán Ngữ lần thứ 3 – dành cho sinh viên chuyên ngành tiếng Hán trên toàn thế giới. Năm 2009, anh tốt nghiệp tại Đại học Bắc Kinh Trung Quốc. Từ năm 2010 đến 2012, trong khi công tác tại phòng Tu thư thuộc Công ty Văn hóa Truyền thông Nhã Nam, anh tập trung nghiên cứu văn hóa trang phục Việt và viết cuốn sách Ngàn năm áo mũ. Hiện Trần Quang Đức là nghiên cứu viên thuộc Viện Nghiên cứu Văn học Việt Nam. Anh đồng thời là dịch giả của các tác phẩm Trà kinh (2008), Chuyện tình giai nhân (2011) và Trường An loạn (2012).

Mời bạn đón đọc.

 

Trích đoạn: Hãy xem trích đoạn cuốn sách Ngàn Năm Áo Mũtrước khi mua hàng Bìa trước  |  Mục lục  |  Trích đoạn  |  Bìa sau  |  Báo chí giới thiệu Theo Báo Tuổi trẻNgàn năm áo mũ không chỉ là từ điển về trang phục(Thứ ba, 11/06/2013 09:39:23 AM)

Nhà nghiên cứu QUÁCH HIỀN (sinh năm 1978) – nghiên cứu viên của Viện Văn học – cũng đã “vào cuộc” để cùng giải mã cuốn sách đáng chú ý này.

* So với những gì chúng ta vẫn hình dung xưa nay về y phục cũng như về quan điểm thẩm mỹ của người Việt qua những nghiên cứu của các nhà nghiên cứu trước đây như Chu Quang Trứ, Phan Cẩm Thượng, Trịnh Bách… những điểm mà chị thấy thật sự mới mẻ trong cuốn Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Ðức?

– Cho dù cùng chung một đối tượng nghiên cứu thì mỗi nhà nghiên cứu đều có cách đặt vấn đề riêng, cách nhìn riêng của mình, vì thế công trình nào cũng sẽ có những điểm mới mẻ. Cho nên tôi nghĩ chúng ta nên dùng chữ “khác biệt”.

Theo tôi, Ngàn năm áo mũ có ba điểm khác biệt so với các công trình nghiên cứu về trang phục Việt Nam trước đó. Thứ nhất: đây là một công trình sử dụng “tam trùng chứng cứ”: chứng cứ trong sử liệu (những sử liệu ghi chép bằng chữ Hán của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các tài liệu ghi chép của người phương Tây về Việt Nam); chứng cứ bằng hình ảnh, đồ vật như tranh, tượng, các bức ảnh… và chứng cứ so sánh liên văn hóa. Về tổng thể, ba tầng chứng cứ này đều được tác giả tuân thủ theo nguyên tắc chứng cứ đồng đại. Với một khối lượng chứng cứ phong phú và khá xác tín như thế, có thể nói Ngàn năm áo mũ không chỉ là một cuốn từ điển về trang phục mà còn là một kho tư liệu tiềm tàng nhiều vấn đề khác của lịch sử Việt Nam cần được nghiên cứu khai thác.

Thứ hai: trong Ngàn năm áo mũ, trang phục không chỉ là một nhân tố của sinh hoạt đời thường, trang phục được hiểu là một phần của văn hiến nước nhà. Trang phục trong cuốn sách gắn liền với các quy chế về lễ nhạc, văn hóa, gắn liền với thái độ chính trị của các triều đại Việt Nam trong tư thế đối diện với Trung Hoa.

Thứ ba: Ngàn năm áo mũ đi thẳng vào trung tâm của cuộc tranh luận chưa ngã ngũ về áo mũ Việt Nam lâu nay: Việt Nam có ảnh hưởng hay không ảnh hưởng mũ áo của Trung Hoa? Và nếu ảnh hưởng thì ảnh hưởng như thế nào? Tôi nghĩ những biện giải có chứng cứ xác đáng về các vấn đề đó là điểm khác biệt lớn nhất và có giá trị nhất của cuốn sách này.

* Cuốn sách mới ra nhưng đã kịp gây dư luận trái chiều về quan điểm phục dựng (tuy số phục dựng rất ít so với hình ảnh gốc) và nhất là điểm nhìn của tác giả về ảnh hưởng của triết học và văn hóa Trung Hoa đến văn hóa Việt Nam thông qua “áo mũ”. Với tư cách một nhà nghiên cứu văn hóa, chị nhìn nhận thế nào với việc này?

– Nói như nhà nghiên cứu Ðinh Thanh Hiếu trong lời tựa cho cuốn sách thì: “Vật đổi sao dời, ngày nay nhìn lại, sinh sau nghìn năm mà muốn nói chuyện nghìn năm trước, cũng không phải dễ dàng”, công việc “hình dung lại nghìn năm trước” như thế tránh sao khỏi những thiếu sót? Hơn nữa, như trên tôi đã nói, cuốn sách đề cập mối liên hệ giữa Việt Nam và Trung Hoa trong quá khứ – đây là một vấn đề nhạy cảm – nên nếu có những quan điểm trái chiều tôi nghĩ cũng là chuyện rất tự nhiên. Thậm chí, như chị cũng thấy, nhiều người nói với tác giả Trần Quang Ðức: nếu các quan điểm đó chỉ ra các chỗ sai sót cho Ngàn năm áo mũ thì nên lấy làm mừng. Tuy nhiên tôi muốn nhấn mạnh rằng các trao đổi cần diễn ra ở một diễn đàn khoa học chính thức và công khai.

* Ấn tượng đặc biệt nhất của chị với tư cách độc giả về cuốn sách không hề dễ đọc này?

– Một tư liệu công phu, đáng tin cậy, nhiều gợi mở và tất nhiên… là một cuốn sách đẹp.

(Báo tuoitre.vn giới thiệu ngày 7/6/2013)

THU HÀ thực hiện